Back

Qui trình sản xuất

Qui trình sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP “ Quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt ” và các thành viên HTX đã dần dần chuyển sang sản xuất theo hướng hữu cơ an toàn
Image

CÁC BƯỚC THỰC HIỆN CHU KỲ SẢN XUẤT

XOÀI CÁT CHU

Nhằm giúp việc canh tác xoài cát chu mang lại hiệu quả cao cho nhà vườn, ngành nông nghiệp đề xuất trình tự thực hiện các công việc của một chu kỳ mùa vụ lấy trái (Quy trình sản xuất) để nhà vườn tham khảo – áp dụng như sau (cây từ 8-10 năm tuổi).

1. Sau khi kết thúc mùa vụ trước.

Sau khi thu hoạch mùa vụ xong cần tiến hành vệ sinh vườn gồm các công việc như  tỉa bỏ những cành ốm yếu, cành bị sâu bệnh, che rợp lẫn nhau, chỉnh sửa lại tán cây, các cành chừa lại là những cành lấy trái trong vụ tới, thu gom trái, cành lá bị sâu bệnh đem tiêu huỷ. Vệ sinh  thân, gốc cây bằng Chlorin với nồng độ 0,5% và để vườn nghỉ.

 

npo000094

 

2. Bắt đầu vào mùa vụ mới.

2.1. Tỉa cành.

Khi đến thời điểm nhà vườn muốn bắt đầu vào vụ mới thì tiến hành tỉa cành để lấy trái có thể thực hiện các bước sau:

Đầu tiên tiến hành xới gốc quanh tán cây, không tưới nước và kết hợp với tỉa cành để lấy trái, chọn lựa và áp dụng 1 trong 3 cách:

Cách 1: tỉa cạn, cắt từ đầu cành vào 1 cơi lá, cách làm này cây chỉ cần ra 1 cơi lộc thì tiến hành đổ thuốc gốc.

Cách 2: tỉa sâu, cắt từ đầu cành vào từ  2 cơi lá trở lên, cách làm này cây ra 2 cơi lộc mới tiến hành đổ thuốc gốc.

Cách 3: kết hợp giữa tỉa cạn và tỉa sâu, cách làm này cây chỉ cần ra 1 cơi lộc thì tiến hành đổ thuốc  gốc. Những cành tỉa cạn sẽ ra hoa trước và cành tỉa sâu sẽ ra hoa sau.

2.2. Bón phân, chăm sóc.

Sau khi tỉa cành để lấy trái xong tiến hành bón phân theo công thức cơ bản như sau: Phân hữu cơ 10kg/cây (phân chuồng, phân xanh),  kết hợp NPK 20-20-15 + Urê theo tỉ lệ 1:1 với lượng 1,0-2,0 kg/cây hoặc 1-3 kg phân bón AT1. Tuy nhiên, tùy theo tình trạng sinh trưởng của cây, năng suất mùa trước, độ màu mở đất của từng hộ mà lượng phân bón cho cây có thể gia giảm từ 10-15%.

Sau khi bón phân cần tưới nước 1 lần/ngày trong 3 ngày đầu và sau đó 1lần/tuần, giúp cây hấp thu phân bón tốt. Nếu có điều kiện thì tiến hành bơm nước đầy mương và giử nước từ 7-10 ngày nhằm giúp cho cây ra lộc tốt. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho cây ra lộc đồng loạt cần kích thích bổ trợ cho cây bằng cách phun hổn hợp urê với liều lượng 1,5-2 kg/100 lít nước +  Gibberellin (GA3) 1gr/100 lít nước.

Thời gian từ khi tỉa cành để lấy trái đến khi lá của lộc chuyển sang màu lá lụa mất khoảng 35 - 40 ngày.

Lúc cây ra lộc cần lưu ý phòng trừ các đối tượng như câu cấu, bù lạch, nhện đỏ, bệnh thán thư,… để bảo vệ đọt lộc, lá non.

2.3. Kích thích ra hoa.

Khi lá của đọt lộc chuyển từ màu đồng đến lá lụa thì tiến hành xử lý thuốc đổ gốc, liều lượng thuốc sử dụng theo hướng dẫn trên nhản thuốc, tiếp tục tưới đủ ẩm trong 7 ngày đầu để giúp rễ hấp thu thuốc tốt. Sau đó cắt nước dần, có thể 7 -10 ngày tưới nước 1 lần.

Để mầm hoa phát triển tốt, 30 ngày sau khi xử lý thuốc gốc có thể bón thêm 0,3-0,5 kg/cây hỗn hợp phân DAP + KCl theo tỉ lệ 1:1 hoặc 1-2 kg phân AT2. Nếu thấy cây sung tốt thì chỉ bón KCl với lượng 0,5 kg/cây.

Sau khi xử lý thuốc đổ gốc khoảng 45-50 ngày, quan sát thấy bộ lá ổn định, chồi ngọn nhô cao, lá có màu xanh đậm, mép lá dợn sóng thì tiến hành phun thuốc kích thích trổ hoa với liều lượng thuốc sử dụng theo hướng dẫn trên nhản thuốc, phun thuốc ướt đều 2 mặt lá,  7 ngày sau tiến hành phun thuốc lại lần 2 và giảm lượng thuốc nửa liều so với lần 1. Trường hợp sau khi đổ gốc 45 -50 ngày quan sát bộ lá thấy chưa ổn định thì cần phun thêm MKP để giúp lá ổn định lại mới tiến hành phun kích thích ra hoa.

Thời gian từ khi phun kích thích trổ hoa đến khi mầm hoa xuất hiện (nhú cựa gà) mất khoảng 30 – 35 ngày.

2.4. Ra hoa.

Khi cựa gà nhú ra khoảng 5cm cần  phun các sản phẩm có chứa can xi và Bo (nên sử dụng sản phẩm có hàm lượng từ 20% trở lên) và 15 ngày sau phun lại lần 2 sẽ giúp tăng đậu trái (liều lượng theo hướng dẫn trên nhản thuốc).

Khi phát hoa phát triển khoảng 10 cm có thể bón thêm phân NPK 15-15-15 với liều lượng 200-300 gr/cây.

npo00002f

Cần thăm vườn thường xuyên để quản lý tốt sâu bệnh trước khi nở hoa; do hoa xoài thụ phấn nhờ côn trùng, vì thế giai đoạn nở hoa chỉ phun thuốc BVTV khi thật cần thiết và phải chọn lọc kỹ loại thuốc để tránh ảnh hưởng đến sự thụ phấn.

npo000047

2.5. Đậu trái.

Để hạn chế rụng trái non cần tiến hành phun chế phẩm hạn chế rụng trái non lần 1 vào giai đoạn “trứng cá” và sau đó 10 ngày phun lại lần thứ 2. Nếu sử dụng GAthì lần 1 phun với liều lượng 1gr/200 lít nước và lần 2 liều lượng 1gr/150 lít nước.

Giúp trái phát triển tốt, sau khi đậu trái 30 – 35 ngày (SKĐT) tiến hành bón phân NPK 15-15-15 liều lượng 0,5-1 kg/cây hoặc bón phân AT3 liều lượng 2-3 kg/cây để thúc trái phát triển. Đến 60 ngày SKĐT  bón thêm NPK 14-14-21 với liều lượng 0,5 kg/cây. Lượng phân cần gia giảm tùy theo số trái/cây.

2.6. Bao trái.

Tiến hành tỉa trái và kết hợp với bao trái ở thời điểm 35-40 ngày SKĐT, tốt nhất bao trái ngay sau khi phun thuốc ngừa sâu bệnh vừa ráo, nếu bao trái chưa xong mà gặp mưa thì phải phun thuốc lại rồi mới tiếp tục bao trái.

Nếu sử dụng loại bao đã qua 1 lần sử dụng thì cần thực hiện vệ sinh bao. Vệ sinh bao bằng cách sử dụng theo tỉ lệ 2 kg vôi + 10 lít nước lấy nước vôi trong ngâm bao 24 giờ sau đó đem bao phơi khô.

Sau khi bao trái xong cần tỉa những cành đã ra hoa nhưng không đậu trái.

2.7. Thu hoạch.

Thời gian từ khi đậu trái đến khi thu hoạch mất khoảng 85 – 90 ngày, cần thăm trái, quan sát thấy trái đã nẩy ức và búng vào trái nghe tiếng kêu thanh hoặc thả trái vào trong nước thấy trái chìm thì tiến hành thu hoạch.

Thu hoạch nên cắt cuống trái dài khoảng 2 -5 cm nhằm tránh chảy nhựa làm cháy vỏ trái. Để trái ở nơi mát không bị ánh nắng trực tiếp, lót trái cẩn thận khi chất vào khay để quá trình vận chuyển không bị dập trái.

Tóm tắc quy trình sản xuất xoài cát Chu

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

NTK
HTX XMX